Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Trận_Vòng_cung_Kursk

Đài tưởng niệm trận Kursk ở thành phố Kursk

Kết quả

Kết quả chung cuộc là quân đội Đức Quốc xã đã phải rút lui sau một tuần tấn công. Quân đội Liên Xô không những đã đứng vững trước các đòn tập kích rất mạnh bằng xe tăng của quân đội Đức Quốc xã mà còn phản công thu hồi thêm hơn 70.000 km vuông lãnh thổ. Nếu như việc xác định kết quả thế cục chiến trường hầu như không có gì phải bàn cãi thì việc xác định kết quả thương vong và tổn thất của các bên lại khác nhau rất xa. Phía Liên Xô công bố họ đã gây thương vong cho 500.000 quân Đức, phá hủy 1.500 xe tăng và 3.000 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 3.700 máy bay của đối phương. Số liệu thương vong của phía Liên Xô khi đó không được công bố[116] Liên Xô đã chứng minh được con số 1.000 máy bay Đức bị tổn thất trong chiến dịch do họ đã được ghi nhận ở các tài liệu gốc của thống chế không quân Đức Hermann Goering mà họ thu giữ được sau chiến tranh.[117] Phía Đức chỉ tính riêng thương vong ở thời gian từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 7 và đưa ra con số thiệt hại gần như ngược lại: Phía Đức có 54.182 thương vong, 252 đến 323 xe tăng và pháo tự hành bị phá hủy cùng với khoảng 600 - 1.614 chiếc khác bị bắn hỏng cần phải sửa chữa, 159 máy bay, khoảng 500 pháo xe kéo; phía Liên Xô có 177.847 thương vong, 1.614 đến 1.956 xe tăng và pháo tự hành bị phá hủy hoặc bị bắn hỏng cần phải sửa chữa, 459 máy bay và 3.929 pháo xe kéo.

Tài liệu quân y của Đức ghi nhận rằng họ có 52.000 lính chết và 134.000 lính bị thương trong chiến dịch. Tuy nhiên, tài liệu quân y của Đức là không đầy đủ do dựa trên báo cáo của binh sỹ Đức (do nhiều nguyên nhân, rất nhiều trường hợp binh sỹ thương vong đã không được báo cáo). Dựa trên các số liệu ngoại suy về quân số của các đơn vị Đức trước và sau chiến dịch, có thể xác định thương vong của Đức trong chiến dịch ít nhất là 380.000 tới 430.000 lính. Con số này có thể còn cao hơn, bởi chưa thể xác định số quân Đức được huy động thêm trong chiến dịch để bù đắp tổn thất[118]

Jonathan P. Kluger, nghiên cứu sinh người Đức tại Đại học Louisiana (Hoa Kỳ) cũng tổng kết về chiến dịch này. Theo ông, khoảng 1.500 xe tăng, chiếm gần một nửa trong số xe tăng mà quân đội Liên Xô đưa vào trận đã bị bắn hỏng. Tuy nhiên, sau khi đánh lui quân Đức, phía Liên Xô đã làm chủ trận địa nên họ đã sửa chữa được khoảng 800 chiếc và lấy lại ưu thế với 2.750 xe tăng tiếp tục tham gia các trận đánh sau ngày 3 tháng 8. Đây cũng là lý do làm cho Phương diện quân Voronezh chưa thể phát động cuộc phản công ngay từ hạ tuần tháng 7 năm 1943. Quân đội Đức Quốc xã thì ngược lại. Vì thua trận, phải rút lui nên họ không có cách gì để lấy lại và phục hồi hơn 600 xe tăng bị bắn hỏng trong tổng số 1.200 chiếc bị tổn thất. Từ đánh giá trên, Jonathan P. Kluger cho rằng nếu người Đức cố giữ trận địa thêm vài ngày, họ có thể thu hồi và khôi phục một số lượng đáng kể xe tăng chỉ bị bắn hỏng chứ chưa bị phá hủy và sẽ không phải chịu mất mát lớn đến như vậy.[119]

Các công trình nghiên cứu của Glantz, Zetterling, Clacke, Bergström... không đưa ra được con số thống nhất. Người Pháp cho rằng phía Liên Xô chỉ có 200.000 người thiệt mạng, tổn thất vật chất hơn 1.500 xe tăng và khoảng 2.800 máy bay; phía Đức có khoảng 500.000 thương vong, 1.200 xe tăng bị phá hủy và cũng mất trên 2.000 máy bay. Các sư đoàn xe tăng 3, 9, 12 (Đức) bị xóa sổ.[120][121] Cuối cùng, công trình nghiên cứu các dữ liệu về trận Kursk do Viện Dupuy (Hoa Kỳ) và Hãng Rantek (Nga) phối hợp tiến hành với việc tra cứu trên 25.000 trang tài liệu gốc đã cho kết quả tương đối chính xác hơn cả về tổn thất của phía Đức.[6] Các kết quả thẩm định cho thấy số liệu tổn thất của phía Liên Xô tương đối phù hợp với các kết quả nghiên cứu độc lập của G. F. Krivosheev, V. M. Andronikov và P. D. Burikov,[15] cuộc tranh cãi mới tạm lắng xuống.

Về phía Liên Xô, họ chịu tổn thất 254.469 người chết, cùng với 608.834 người bị thương hoặc bị ốm (74% bị thương trong chiến đấu, 26% bị ốm). Nếu trừ đi số người bị ốm, thì tổn thất của Liên Xô trong chiến dịch là khoảng 710.000 người

Tính riêng tổn thất về xe tăng, phía Đức tổn thất chỉ bằng 40% so với Liên Xô, nhưng nếu suy xét cụ thể thì bên thua thiệt hơn lại là Đức, bởi trong số tổn thất của Đức có khoảng 180 chiếc xe tăng hạng nặng Panther (Con Báo), 45 chiếc Tiger I (Con Cọp) và 40 chiếc pháo tự hành Elefant (con Voi) bị phá hủy hoàn toàn; khoảng 70 chiếc Panther, 150 chiếc Tiger và 40 chiếc Elefant khác bị hư hại nặng. Đây là những loại xe tăng và pháo hạng nặng có chi phí sản xuất đắt đỏ, trong khi tổn thất của Liên Xô phần lớn là xe tăng hạng nhẹ và hạng trung, có chi phí và thời gian sản xuất nhỏ hơn nhiều (ví dụ: mỗi chiếc Tiger I của Đức có chi phí sản xuất đắt gấp 6 lần so với T-34, pháo tự hành Elefant thì còn đắt hơn cả Tiger I). Do vậy, sau trận Kursk, lực lượng thiết giáp Hồng quân không mất nhiều thời gian để bổ sung lực lượng, trong khi đội thiết giáp Đức thì suy kiệt rất nhiều. Từ đó tới cuối chiến tranh, hiếm khi đội xe tăng Đức có thể tấn công với một đội hình có số lượng lớn như ở giai đoạn đầu chiến tranh.

Tỷ lệ tổn thất của xe tăng Đức thể hiện một phần qua những báo cáo về xe tăng Panther: Trong số 259 chiếc Panther được huy động cho chiến dịch, đến ngày 11 tháng 8 năm 1943, số lượng Panther bị phá hủy đã lên đến 156 chiếc, vài chục chiếc bị hỏng cần sửa chữa, số Panther còn hoạt động được chỉ còn có 9 chiếc (tức là cứ 28 chiếc Panther thì chỉ còn 1 chiếc là còn chiến đấu được). Quân đội Đức vừa phải rút lui nhưng vẫn phải tìm mọi cách kéo xe tăng bị hỏng theo nhằm giảm thiểu tối đa con số thiệt hại xuống, số xe tăng hỏng không kéo về được thì buộc phải phá hủy để tránh bị Hồng quân chiếm mất.

Với thất bại nặng nề sau 7 ngày tấn công và một tháng rút lui sau đó, quân đội Đức Quốc xã không những đã không đạt được bất kỳ một mục tiêu nào trong kế hoạch Thành trì; không những bị tổn thất nặng về binh lực và phương tiện mà còn phải rút lui thêm về phía tây từ 120 đến 300 km so với tuyến mặt trận trước ngày 5 tháng 7. Điều đáng ngạc nhiên là Adolf Hitler không thể nhận thức ra tình hình nguy hiểm đang đe dọa quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía đông và tiếp tục sa vào những ảo tưởng huyễn hoặc.[122] Ngày 25 tháng 7, khi đánh giá về trận Kursk, Hitler đã nói với trung tướng Walter Warlimont, phó ban chỉ đạo tác chiến của các lực lượng vũ trang Đức Quốc xã, như sau:[123]

Hitler: Tiện đây, ngài hãy đọc thông điệp của Stalin trong bản nhật lệnh mới nhất ngày hôm qua. Stalin nói rõ số sư đoàn xe tăng, cơ giới và bộ binh. Tôi cho rằng ông ta nắm được thật chính xác.

Warlimont: Thưa Quốc trưởng, ngài đang nói đến Chiến dịch Thành Trì ư?

Hitler: Đúng là về Chiến dịch Thành Trì. Tôi có cảm giác rằng đó là điệu kèn rút khỏi cuộc chiến của chính ông ta. Ông ta trình bày vấn đề cứ như thể là kế hoạch của chúng ta bị phá vỡ... Chắc là ở chỗ ông ta đâu đâu cũng thấy tin tức báo cáo về công việc không tiến triển được, đâu đâu cũng thấy sự ngưng trệ. Do đó, ông ta phải từ bỏ ý tưởng về những cuộc tấn công chớp nhoáng. Cảm giác của tôi là như vậy.

Sau này, Below bình luận: "Không rõ những lời đoán mò này của Hitler là kết quả của những tính toán sai lầm thực sự hay chỉ là thói đạo đức giả quen thuộc của ông ta."[123]

Đánh giá

Không những dẫn dắt Hồng quân Liên Xô tới thủ đô Berlin của Đức, trận đánh này còn ảnh hưởng trực tiếp tới nền quân sự thế giới trong nửa thế kỷ sau đó.[124]

Vị trí của trận Kursk trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Nếu trận Stalingrad đánh dấu sự bắt đầu quá trình đảo ngược lộ trình Chiến tranh Xô-Đức vốn từ Tây sang Đông trở thành từ Đông sang Tây thì Trận Kursk đánh dấu quá trình xuống dốc không thể đảo ngược của quân đội Đức Quốc xã.[125] Theo cuốn ''Natural Enemies: The United States and the Soviet Union in the Cold War, 1917-1991 của tác giả Robert C. Grogin, nếu như thảm bại ở Stalingrad đánh dấu sự tan vỡ của huyền thoại về Quân đội Đức "bất bại" thì thất bại quyết định tại Kursk chứng tỏ phát xít Đức không còn khả năng mở một cuộc tấn công đại quy mô nữa.[126] Thắng lợi ở Kursk có thể được xem là to lớn hơn cả chiến thắng Stalingrad.[127] Trận vòng cung Kursk được xem là một trận đánh bước ngoặt quan trọng của Chiến tranh Xô-ĐứcChiến tranh thế giới thứ hai cũng giống như trận Stalingrad,[24] không chỉ thế, với quy mô to lớn của nó nơi hai bên tham chiến với quân số gần 3 triệu người và chỉ diễn ra trong hơn 5 tuần; lần đầu tiên quân đội Liên Xô giành thắng lợi trong một chiến dịch mùa hè khi họ đã biết cách và có đủ phương tiện để khắc chế được sức mạnh của lực lượng xe tăng hùng hậu vốn là nhân tố có tính chất xương sống trong cấu trúc của lục quân Đức Quốc xã. Tại đây sức mạnh xưa nay ghê gớm nhất của lục quân Đức là các mũi thọc sâu bằng xe tăng thiết giáp đã bị đối phương chặn đứng và phản công cũng chính bởi các đòn đánh bằng xe tăng thiết giáp, quân đội Liên Xô đã đánh thắng được quân Đức bằng chính ngón võ của đối thủ.[46]

Cùng với thất bại tại trận Stalingrad, với thất bại lần này, Quân đội Đức Quốc xã vĩnh viễn mất quyền chủ động chiến lược trên mặt trận phía đông. Mặc dù tiềm lực chiến tranh của Đức chưa hẳn đã cạn kiệt nhưng nó đã không còn dồi dào như những năm 1939-1942.[22] Những thảm họa như Stalingrad và Kursk đã khiến người Đức không còn hy vọng chiến thắng nữa: cuối năm 1943, số người chết và bị thương của Đức đã lên cao hơn cả tổng tổn thất của họ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất.[127] Gánh nặng chiến tranh đối với nền công nghiệp và dân số[128] cùng nhiều sự trục trặc dẫn đến trì hoãn thời gian sản xuất và đưa xe tăng ra chiến trường đã kéo dài thời gian chuẩn bị của quân Đức; còn tốc độ chuẩn bị binh lực của quân đội Liên Xô thì lại nhanh hơn thế rất nhiều. Chỉ trong thời gian chưa đầy ba tháng, 10 tập đoàn quân mới cùng hàng chục vạn khí tài xe tăng, máy bay, pháo tự hành, pháo mặt đất, súng cối, dàn pháo phản lực Katyusha của quân đội Liên Xô đã được đưa ra mặt trận. Việc này khiến quân đội Đức Quốc xã càng lùi thời gian mở màn chiến dịch để tập trung nhiều xe tăng hạng nặng cho chiến dịch để đánh một đòn chắc ăn thì lại càng rơi vào thế bất lợi về so sánh lực lượng trên địa đoạn đột phá chủ yếu.[129] Cuối cùng, việc hoãn đi hoãn lại thời điểm mở chiến dịch của Adolf Hitler đã làm cho Erich von Manstein đã phải cay đắng thốt lên: "Đó là sự do dự chết người".[21]

Trong ba chiến dịch phản công lớn nhất của quân đội Liên Xô từ đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Chiến dịch phản công tại Moskva, Chiến dịch phản công ở Stalingrad và Chiến dịch phòng ngự phản công Kursk thì đây là chiến dịch có quy mô lớn hơn cả đối với quân đội Liên Xô và cũng là trận đánh tập trung nhiều xe tăng nhất trong suốt cuộc Chiến tranh Xô-Đức. Tại cuộc phản công ở Moskva mùa đông 1941-1942 chỉ có 17 tập đoàn quân với quân số mỗi tập đoàn quân chỉ bằng một nửa so với một tập đoàn quân năm 1943 và tổ chức lực lượng xe tăng rất mỏng chỉ với quy mô lữ đoàn. Cuộc phản công ở Stalingrad có 14 tập đoàn quân tham gia với xe tăng chỉ ở quy mô quân đoàn. Tham gia Chiến dịch Kursk có đến 22 tập đoàn quân binh chủng hợp thành có biên chế và quân số đủ, 5 tập đoàn quân xe tăng, 6 tập đoàn quân không quân.[130] Thống chế Erich von Manstein là một trong số không ít tướng lĩnh cao cấp Đức Quốc xã tỏ ra ngạc nhiên trước tiềm lực quốc phòng dồi dào cũng như sự kiên trì, dẻo dai của đối thủ. Ông viết:

Chúng tôi không ngờ rằng phía Liên Xô lại có những khả năng tổ chức to lớn đến thế cũng như việc phát triển nền công nghiệp quân sự của họ thể hiện trong trận này. Quả là chúng tôi đã gặp phải một con thủy tức nhiều đầu, cứ chặt đứt một cái đầu thì nó lại mọc ra hai cái đầu mới... Đến cuối tháng 8, Cụm tập đoàn quân của chúng tôi đã mất 7 sư đoàn trưởng, 38 trung đoàn trưởng, 252 tiểu đoàn trưởng. Nguồn dự trữ của chúng tôi cũng đã cạn.
— Erich von Manstein, [22]

Kết quả của trận Kursk đã được Nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov ghi lại trong hồi ký Nhớ lại và Suy nghĩ của mình:

Sau 50 ngày đêm đã diễn ra cuộc chiến đấu vĩ đại nhất của quân ta với quân phát-xít Đức. Nó kết thúc bằng thắng lợi của Quân đội Xô-viết đánh tan 30 sư đoàn Đức tinh nhuệ, trong đó có 7 sư đoàn tăng. Trên phần nửa quân số của mấy chục sư đoàn này đã bị tiêu diệt.


Thiệt hại chung của địch trong thời gian đó là trên 50 vạn tên, gần 1.500 xe tăng, trong đó phần lớn là xe tăng "cọp", "báo", 3.000 đại bác và súng cối và một số lớn máy bay. Đó là những thiệt hại mà bọn cầm đầu phát-xít không thể dùng một biện pháp tổng hợp nào bù vào được.
Chiến thắng vĩ đại của quân ta ở Cuốc-xcơ đã chỉ rõ sức mạnh ngày càng to lớn của Nhà nước Xô-viết và lực lượng vũ trang Xô-viết. Thắng lợi ngoài mặt trận cũng như ở hậu phương giành được là do sự nỗ lực của tất cả mọi người Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong các trận chiến đấu ở Cuốc-xcơ, bộ đội ta đã tỏ ra có tinh thần cực kì dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng tập thể và trình độ nắm vững tài nghệ quân sự. Đảng Cộng sản và Chính phủ đánh giá cao lòng dũng cảm của quân đội và đã thưởng trên 10 vạn huân chương và huy chương cho các chiến sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh, nhiều người đã được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Âm mưu địch giành quyền chủ động về chiến lược từ tay Bộ tư lệnh Xô-viết đã hoàn toàn phá sản và từ đó đến lúc hết chiến tranh, quân Đức bắt buộc chỉ có phòng ngự mà thôi. Điều đó chứng minh, nước Đức đã bị tiêu hao. Bây giờ không còn lực lượng nào có thể cứu chúng được. Vấn đề chỉ còn ở thời gian mà thôi.

— G. K. Zhukov, [131]

Trận Kursk cũng đã chứng minh sự tiến bộ của nghệ thuật quân sự của các cấp chỉ huy Hồng quân. Ngoài sự triển khai đúng đắn của Bộ Chỉ huy Liên Xô, chiến thắng này còn được coi là do sự anh dũng của các chiến sĩ Liên Xô.[27] Hơn nữa, chiến thắng đã chứng minh quân đội Xô-viết có thể tấn công thắng lợi cả trong mùa hè, chứ không phải chỉ có trong mùa đông như trước đây Hitler đã tin tưởng. Vốn người Đức không thể làm nên một bước tiến đáng kể nào và còn bị tổn thất nặng nề, trận Vòng cung Kursk - cuộc tấn công cuối cùng của Hitler trên Mặt trận phía đông - đã làm rõ cho thế giới thấy kết cục thất bại không tránh được của nước Đức Quốc xã - điều ấy chỉ còn là một vấn đề thời gian[1][2] - tuy rằng họ còn đang chiếm đóng gần trọn châu Âu.[24][46]

Nguyên nhân thất bại của Chiến dịch Thành Trì

Theo nhà sử học Đức Karl-Heinz Frieser, có hai nguyên nhân dẫn đến thất bại của Chiến dịch Thành Trì:

  • Quân đội Liên Xô nắm được ưu thế về quân số. Frieser đã chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất của quân đội Đức Quốc xã lúc đó là sự thiếu hụt về binh lực. Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Đức quốc xã không nắm trong tay bất kỳ đơn vị dự bị chiến dịch đáng kể nào trong khi Quân đội Liên Xô có hẳn một Phương diện quân Thảo nguyên làm lực lượng dự bị chiến dịch. Cũng theo Frieser, việc Quân đội Liên Xô có nhiều xe tăng hơn thật ra không có ảnh hưởng nhiều đến kết cục của trận đánh như là một yếu tố quyết định. Cái chính là Adolf Hitler đã lại mắc lại sai lầm của năm 1941 và 1942, đánh giá thấp đối thủ và cứ thế lao vào cuộc chiến trong khi tiềm lực của nước Đức đã không còn bằng năm 1942, năm có tổng binh lực và phương tiện cao nhất.[132][133][134]
  • Việc Hitler liên tục trì hoãn ngày mở màn chiến dịch Thành Trì đã giúp Quân đội Liên Xô có đủ thời gian để biến Vòng cung Kursk thành một pháo đài khổng lồ. Các tướng lĩnh cao cấp Đức Quốc xã như Manstein và Zeitzler hy vọng quân Đức sẽ có thể đánh một đòn bất ngờ vào một đối thủ chưa chuẩn bị sẵn sàng và đang xuống tinh thần sau thất bại ở Kharkov vào đầu năm. Tuy nhiên trên thực tế sự bất ngờ đó đã hoàn toàn không xảy ra. Sự trì hoãn đó đã làm cho Hitler đi đến chỗ chọn một "ngày xấu nhất" để phát động tấn công.[135]

Nhà sử học Hoa Kỳ David M. Glantz, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quân sự và nền quân sự Xô Viết lại có ý kiến khác:

  • Glantz khẳng định rằng thất bại của phát xít Đức không phải là do cái gọi là ưu thế quân số - thứ mà lâu nay người ta thường hay phóng đại - của Hồng quân. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở những thay đổi mang tính cách mạng trong hệ thống sĩ quan chỉ huy, sĩ quan tham mưu và cách điều binh khiển tướng của lãnh đạo Liên Xô. Các sĩ quan tham mưu và sĩ quan chỉ huy Liên Xô đã thật sự "ngấm" các bài học xương máu trong những lần đụng độ với quân đội Đức Quốc xã, đến lượt mình họ lại tiếp tục bổ túc và truyền tải các kinh nghiệm quý giá này cho Quân đội Liên Xô dựa trên những phân tích hết sức thấu đáo và kỹ lưỡng về các trận đánh và chiến dịch trong cuộc chiến tranh. Tất cả những kinh nghiệm này làm phong phú thêm cho học thuyết Tác chiến chiều sâu và giúp Quân đội Liên Xô gặt hái nhiều thành công mới.[136] Trong tác phẩm của mình, Glantz và House chỉ ra rằng thực chất số xe tăng của quân đội Liên Xô nhiều lắm là gấp 1,5 lần quân Đức, hoặc thậm chí là chỉ nhỉnh hơn số lượng xe tăng của quân đội Đức một chút.[137]
  • Glantz cũng khẳng định rằng Quân đội Liên Xô trong giai đoạn này đã áp dụng nhiều chiến thuật mới trong tác chiến ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch. Họ đã giải quyết được nhiều khó khăn phát sinh trong việc phối hợp các quân binh chủng và từ đó tạo thành "một chiến dịch hiệp đồng binh chủng thật sự". Trong đó, Glantz nhấn mạnh đến "sự tinh vi của các hoạt động tình báo, nghi binh và phòng thủ chống xe tăng". Đồng thời, Quân đội Liên Xô cũng đạt được nhiều bước tiến tương tự trong việc phá vỡ các phòng tuyến Đức trên một chính diện mặt trận hẹp bằng việc phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả các đơn vị pháo binh, tăng thiết giáp, công binh và bộ binh. Trong Trận ProkhorovkaChiến dịch Kutuzov, Các chỉ huy quân đội Liên Xô đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm về việc điều động các đơn vị xe tăng và cơ giới - điều đó trở thành điểm đặc trưng nổi bật nhất trong học thuyết Tác chiến chiều sâu của quân đội Liên Xô.[3] Đó cũng là bằng chứng của việc lực lượng tăng thiết giáp Hồng quân có thể đối đầu ngang ngửa với các lực lượng tăng thiết giáp mạnh nhất của phát xít Đức. Dĩ nhiên là chiến thuật của Hồng quân cũng cần phải cải thiện nhiều để giảm thiểu thương vong; tuy nhiên một điều rõ ràng là phát xít Đức đã đối mặt với một quân đội Liên Xô hoàn toàn mới và đáng gờm hơn rất nhiều so với những gì họ từng biết.[136][138]
  • Glantz đã chỉ ra rằng chiến thuật phòng ngự của quân đội Liên Xô cũng đã tiến bộ rõ rệt. Họ đã sử dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả hỏa lực pháo chống tăng cùng với các lữ đoàn, trung đoàn xe tăng và pháo tự hành độc lập, điều đó giúp chúng tăng thêm khả năng cơ động trong phòng thủ. Các đơn vị này có nhiệm vụ đập tan các mũi tấn công của quân đội Đức Quốc xã ở từng lớp phòng thủ của quân đội Liên Xô. Năm bản lề 1943 thật sự là thời khắc quyết định của quân đội Xô Viết; các chiến thuật mà Hồng quân thử nghiệm và cải tiến trong năm này sẽ được hoàn thiện trong năm 1944 và 1945.[3]

Phát triển quan điểm của nhà sử học Nga Vladimir Vasilyevich Beshanov cho rằng năm 1942 là năm "đào tạo" đối với quân đội Liên Xô,[139] David M. Glantz đưa ra một nhận xét tổng quát hơn:

Sự giáo dục ở cấp bậc tiểu học mà Hồng quân nhận được trong năm 1941 và 1942 là tiền đề cho cấp bậc trung học của năm 1943. Năm 1944 và 1945, Hồng quân hoàn tất cấp bậc đại học và họ cũng tốt nghiệp vào lúc chiến tranh kết thúc
— David M. Glantz, .[140]

Nhà sử học và nhà nghiên cứu khoa học quân sự Steven J. Zaloga đưa ra hai lý do cho chiến thắng của Hồng quân tại Kursk:

  • Như Glantz, Zaloga khẳng định rằng việc Quân đội Liên Xô chiến thắng vì lý do "quân đông" là một câu chuyện hoang đường do các tướng lĩnh Đức Quốc xã tô vẽ ra trong các hồi ký xuất bản hồi thập niên 1950 của họ. Trong đó, quân số và số lượng xe tăng của một sư đoàn xe tăng Đức tương đương một quân đoàn xe tăng Liên Xô, còn biên chế quân số một quân đoàn bộ binh thì hơn một quân đoàn bộ binh Liên Xô 1,5 lần.[3] Do đó, các thống kê so sánh chỉ dựa trên số lượng tập đoàn quân, quân đoàn, sư đoàn có thể dẫn đến các sai số rất lớn về binh lực và phương tiện. Zaloga cũng thẳng thừng bác bỏ mọi sự cáo buộc về việc Quân đội Liên Xô chủ yếu dựa vào việc lấy thịt đè người hơn là vào khả năng tác chiến. Zaloga đồng ý rằng ở các cấp độ như trung đội và đại đội, khả năng tác chiến của Hồng quân không có gì đặc sắc và họ nhận được sự huấn luyện kém hơn đối thủ Đức Quốc xã[141]; đồng thời ông cũng chỉ ra rằng còn nhiều vấn đề chiến thuật mà Hồng quân còn cần phải giải quyết. Tuy nhiên theo Zaloga, khoảng cách giữa Quân đội Liên Xô và Quân đội Đức Quốc xã đã "thu hẹp rất đáng kể" trong nửa đầu năm 1943 và không lâu sau đó khoảng cách đó sẽ là con số không.[142]
  • Zaloga cũng khẳng định rằng, xét trên góc độ nghệ thuật quân sự, Quân đội Liên Xô là những bậc thầy trong việc cơ động các đơn vị tăng thiết giáp.[142] Các chiến thuật ở tầm mức chiến dịch của Hồng quân đã tỏ ra vượt trội hơn hẳn đối thủ Đức Quốc xã; điều này giúp các tư lệnh chiến trường của họ có thể đánh lừa, làm bối rối, cản trở và sau cùng là tiến tới áp đảo đối thủ của họ.[143]

Nhà nghiên cứu Anh Richard Overy thì đưa ra hai cách giải thích sau:

  • Overy chỉ rõ rằng thật ra, sức mạnh của Không quân Liên Xô và Không quân Đức Quốc xã là tương đương nhau. Tại Trận vòng cung Kursk Không quân Liên Xô lần đầu tiên đem ra sử dụng các hệ thống liên lạc giữa các máy bay trên không và các đơn vị mặt đất cùng với các ra-đa, một hệ thống bảo trì hoàn thiện và một hệ thống kho bãi chứa xăng dầu dự trữ đầy đủ. Điều này khiến mỗi máy bay có thể thực hiện tối đa đến hai mươi chuyến bay trong ngày để kịp thời đáp ứng tình hình căng thẳng trên mặt trận. Trong khi đó Không quân Đức Quốc xã thì thường xuyên chịu nhiều thiếu hụt về nhiên liệu.[144][145]
  • Chất lượng xe tăng của Quân đội Liên Xô không hề thua kém các xe tăng Đức. Mặc dù các mẫu xe tăng T-34 lúc đó (trang bị pháo 76 ly) có hỏa lực và tầm bắn kém hơn so với các xe tăng Con Báo và Con Hổ của Đức được trang bị pháo 88 ly nhưng T-34 lại nắm ưu thế về tính cơ động và tốc độ. Các xe tăng Con Cọp và Con Báo cũng gặp quá nhiều trục trặc về kỹ thuật khi vận hành.[146] Để chống lại các xe tăng Cọp, Báo trong Trận Prokhorovka, Quân đội Liên Xô đã áp dụng phương pháp "đấu tay đôi", tức là cho các xe tăng của mình áp sát các xe tăng Đức đến mức sự thua kém về tầm bắn không còn là một yếu tố đáng kể nữa.[147] Theo Glantz và House, Hồng quân Xô Viết đã đẩy lui các đợt tấn công đầu tiên của phát xít Đức bất chấp họ gặp nhiều bất lợi trong trận chiến: tầm bắn và hỏa lực thua kém các khẩu pháo 88 ly của Đức. Có những thời điểm, không quân Đức nắm ưu thế trên bầu trời và dồn cho đối phương co cụm lại để tấn công trên một địa hình bằng phẳng. Và trong các điều kiện hết sức bất lợi trên, tổn thất của các đơn vị tăng thiết giáp Liên Xô cũng không hơn quá nhiều so với Đức Quốc xã. Trong trận Prokhorovka, Quân đội Liên Xô chỉ mất 400 xe và Quân đội Đức Quốc xã mất 320 xe, tỉ lệ là 5:4. Tuy nhiên, 400 xe tăng là 1/2 tổng lực lượng xe tăng mà quân đội Liên Xô huy động vào trận này, còn 320 xe tăng là 3/4 lực lượng xe tăng mà quân đội Đức Quốc xã huy động. Rõ ràng là các sư đoàn xe tăng Đức phải rút khỏi Prokhorovka là vì mất sức chiến đấu. Mệnh lệnh của Adolf Hitler chỉ là sự chấp nhận thực tế đó chứ không thể hiện ý muốn cuối cùng của ông ta.[148]

Ảnh hưởng

Thống chế Đức Erich von Manstein đã dự báo hoàn toàn đúng khi ông cho rằng trận Stalingrad có thể chỉ là một khúc dạo đầu cho một thảm họa còn khủng khiếp hơn nữa và thảm họa đó đã diễn ra tại Kursk.[149] Thực sự, trận thua này được xem là thảm bại lớn nhất của quân Thiết giáp Đức.[28] Xét về khía cạnh quân sự, thất bại của quân đội Đức Quốc xã trong trận Kursk đã khẳng định tính không thể đảo ngược của cục thế hai bên trên chiến trường Xô-Đức đã được xoay chuyển sau Trận Stalingrad. Việc quân đội Liên Xô xóa bỏ hai "chỗ lõm" ở Oryol và Kharkov đã tạo ra một bước đà quan trọng cho họ tái thực hiện kế hoạch "Nhảy vọt" mà trước đó hơn nửa năm, họ đã thực hiện không thành công ở tả ngạn Ukraina. Kết quả của chiến dịch này đánh dấu sự sụp đổ dây chuyền của các tuyến phòng thủ do Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) dựng lên ở tả ngạn sông Dniepr mà Adolf Hitler gọi đó là "Chiến lũy phương Đông". Không dừng lại ở Kharkov, các Phương diện quân Voronezh, Thảo Nguyên, tây nam và Nam đã phát động cuộc tổng công kích mùa thu và kéo dài qua mùa đông năm 1943, hất Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) sang bên kia sông Dniepr, giải phóng một loạt các thành phố và trung tâm công nghiệp lớn như Kiev, Dniepropetrovsk, Zaporozhye, Nikopol... và toàn bộ các vùng nông nghiệp trù phú ở lưu vực sông Donets và vùng công nghiệp Donbas.[150] Tướng Kurt von Tippelskirch đánh giá: "Mất vùng công nghiệp Donbas, nước Đức mất một chỗ dựa quan trọng để tiếp tục chiến tranh ở mặt trận phía đông".[151] Trong khi quân Liên Xô sau thắng lợi quyết định này đã tuyệt đối nắm thế chủ động chiến lược[1], từ vị trí chủ động tấn công, quân đội Đức Quốc xã buộc phải chuyển sang phòng ngự và gần như chỉ phòng ngự chiến lược kèm theo một số trận phản công không mạnh và cũng không thành công từ cuối năm 1943 cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Về chính trị, kết quả thắng lợi của trận Kursk được coi như một "món quà" mà I. V. Stalin cùng đoàn đại biểu Liên Xô mang đến Hội nghị tam cường đồng minh họp tại Teheran từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 1943. Trong một mức độ nhất định, ảnh hưởng của trận Kursk tại hội nghị này đã làm tăng thêm trọng lượng cho những đề xuất từ phía Liên Xô.[152] Họ cho rằng cuộc đổ bộ của các đồng minh Anh và Hoa Kỳ lên Sicilia và mũi Apennin khó có thể coi là một động thái mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu do quy mô nhỏ của chiến dịch. Với bán đảo Ý nhỏ hẹp, quân đội các nước đồng minh sẽ rất khó triển khai một lực lượng lớn và đủ mạnh để có thể đánh thẳng vào trung tâm nước Đức.[153] Trong khi thủ tướng Anh Winston Churchill kiên trì quan điểm lấy nước Ý và bán đảo Balkan làm bàn đạp tấn công nước Đức Quốc xã thì tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt lại đồng quan điểm với phía Liên Xô về việc mặt trận thứ hai chống nước Đức Quốc xã phải được mở ở Pháp.[154]

Cũng giống như chiến dịch Stalingrad, kết quả thắng lợi của chiến dịch phòng ngự phản công Kursk đã ở đầu cho một loạt các đòn tấn công của 8 phương diện quân Liên Xô trên toàn bộ cánh Nam và khu vực Trung tâm mặt trận Xô-Đức nhưng với quy mô lớn gấp hơn ba lần so với cuộc phản công trong 3 tháng đầu năm 1943, kéo dài từ ngày 25 tháng 8 đến hết tháng 12 năm 1943. Sau ba đợt tổng tấn công trong vòng 4 tháng, Quân đội Liên Xô đã thu hồi toàn bộ vùng tả ngạn sông Dniepr và tả ngạn sông Berezina, đẩy tuyến mặt trận về phía tây từ 100 đến 200 km, cá biệt có nơi xa đến 350 km tại khu vực Mozyr ở Phương diện quân Tây (từ ngày 20 tháng 10 là Phương diện quân Belorussia) và Kherson ở Phương diện quân Nam (từ ngày 20 tháng 10 là Phương diện quân Ukraina 4); thu hẹp diện tích chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã tại lãnh thổ Liên Xô xuống chỉ còn bằng 1/3 so với mùa hè năm 1942.[155] Trong năm 1943, cùng với chiến thắng vang dội của quân Liên Xô tại Kursk, cuộc đổ bộ của liên quân Anh - Mỹ lên đất Ý và thất bại hoàn toàn của liên quân Đức - Ý tại Bắc Phi đã đánh dấu sự xoay chuyển thế trận hoàn toàn có lợi cho khối Đồng Minh[1], qua đó đại thắng tại Kursk đã thúc đẩy công cuộc giải phóng nhân loại ra khỏi ách áp bức của chủ nghĩa phát xít.[28] Song, ngoài ảnh hưởng đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến thắng Kursk còn được đưa vào các trường đào tạo của binh chủng tăng thiết giáp tại Liên Xô (cũ)[156] Và, 50 năm sau trận đánh đó, nhận thức được tầm quan trọng của xe tăng, các siêu cường trên thế giới đã chạy đua thiết giáp với nhau, và điều này chỉ kết thúc sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất và chủ nghĩa khủng bố gia tăng.[124]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Vòng_cung_Kursk http://www.amazon.com/s?search-alias=stripbooks&fi... http://www.angelfire.com/wi2/foto/ww2/proh/page4.h... http://akas.imdb.com/title/tt0198811/combined http://dialspace.dial.pipex.com/town/avenue/vy75/d... http://www.youtube.com/watch?v=3o2RfD3Y8Zc&feature... http://www.youtube.com/watch?v=HMkqJVY0vyw&feature... http://www.youtube.com/watch?v=K_gifjNJ0hU&feature... http://www.youtube.com/watch?v=QPjEgYB38_k&feature... http://www.youtube.com/watch?v=SxfGuA1QAho&feature... http://www.youtube.com/watch?v=T7OQ6mdcyGQ&feature...